Xác tàu đắm Bismarck_(thiết_giáp_hạm_Đức)

Khám phá của Robert Ballard

Tranh vẽ của Ken Marshall mô tả thiết bị lặn Argo đang khảo sát xác tàu đắm

Xác tàu đắm của chiếc Bismarck được khám phá vào ngày 8 tháng 6 năm 1989 bởi Tiến sĩ Robert Ballard, nhà hải dương học vốn cũng đã tìm ra chiếc Titanic. Bismarck tìm thấy trong tư thế ngang bằng ở độ sâu khoảng 4.791 m (15.719 ft),[123] cách 650 km (400 dặm) về phía Tây Brest, Pháp. Bismarck đụng phải một núi lửa ngầm dưới nước, vốn nhô cao khoảng 1.000 m (3.300 ft) bên trên khoảng cao nguyên ngầm chung quanh, tạo ra một vụ lở đất ngầm dài 2 km (1,2 dặm). Bismarck đã trượt dọc theo sườn núi, và dừng lại ở hai phần ba đoạn đường.[124]

Khảo sát của Ballard cho thấy thành trì được hoàn toàn bọc thép của con tàu không bị xuyên thủng bên dưới mực nước. Tám lỗ hổng được tìm thấy trên lườn tàu, một bên mạn phải và bảy bên mạn trái, tất cả đều bên trên mực nước. Một trong những lỗ hổng ở phía trên sàn tàu, bên mạn phải trước mũi; góc và hình dạng của lỗ hổng cho thấy quả đạn pháo tạo ra nó được bắn từ phía mạn trái của Bismarck và trúng phải dây xích neo mạn phải; dây xích neo đã biến mất qua lỗ hổng này.[125] Sáu lỗ hổng khác ở giữa tàu, ba mảnh đạn pháo đã xuyên thủng đai chống mảnh đạn bên trên, và một đã tạo ra lỗ hổng trên đai giáp chính.[126] Quá về phía sau, một lỗ hổng khác được nhìn thấy trên sàn tàu song song với máy phóng. Vẫn chưa rõ liệu đây có phải là hậu quả của một vụ nổ hầm đạn bên trong do đạn pháo xâm nhập qua vỏ giáp của con tàu. Các thiết bị lặn không ghi nhận được quả đạn pháo nào xuyên thủng được đai giáp chính hay đai giáp hông có thể gây ra điều này; rất có thể quả đạn pháo chỉ xuyên qua vỏ giáp sàn tàu.[127] Những vết lỏm lớn bên hông cho thấy nhiều quả đạn pháo 14 inch của King George V đã nảy bật ra khỏi đai giáp chính.[128]

Ballard ghi chú rằng ông không tìm thấy chứng cứ là một vụ nổ từ bên trong đã xảy ra khi một lườn tàu chưa ngập nước hoàn toàn bị chìm. Nước chung quanh vốn có áp lực cao hơn rất nhiều so với không khí bên trong lườn tàu sẽ làm vỡ con tàu. Thay vào đó, Ballard chỉ ra rằng lườn tàu ở trong tình trạng tương đối tốt; ông phát biểu đơn giản rằng "Bismarck đã không nổ tung."[129] Điều này gợi ý rằng các khoang của Bismarck chỉ bị ngập nước khi con tàu chìm, cũng cố cho giả thuyết tự đánh đắm.[130] Ballard đã giữ bí mật vị trí chính xác của xác con tàu đắm, đề phòng những tay lặn ăn cắp hiện vật từ con tàu, một công việc mà ông xem là một dạng của đánh cắp mộ cổ.[123]

Toàn bộ phần đuôi của con tàu đã bị tách ra; vì phần đuôi không ở gần phạm vi xác tàu chính và cho đến năm 2010 vẫn chưa được tìm thấy; có thể suy luận rằng việc này không xảy ra khi con tàu chạm đáy biển. Chỗ bị tách ra ở vào khoảng nơi ngư lôi đánh trúng, nảy sinh ra nghi vấn về việc hư hại cấu.[131] Phần đuôi con tàu cũng chịu đựng nhiều cú bắn trúng, làm nặng thêm những hư hại do trúng ngư lôi. Điều này kết hợp với việc con tàu chìm với đuôi chìm trước và không có cấu trúc chống đỡ để giữ tại chỗ, gợi ý rằng phần đuôi đã bị tách rời lúc còn trên mặt nước. Vào năm 1942 Prinz Eugen cũng bị trúng ngư lôi ở phía đuôi, vốn sau đó bị đổ sụp. Sự kiện này đã thúc đẩy việc gia cố cấu trúc đuôi tàu trên mọi tàu chiến chủ lực Đức.[132]

Ballard ước lượng rằng Bismarck còn có thể tiếp tục nổi ít nhất một ngày khi các con tàu Anh ngừng bắn, và có thể bị Hải quân Anh chiếm, một quan điểm được sử gia Ludovic Kennedy (người phục vụ trên tàu khu trục Tartar vào lúc đó) đồng tình. Kennedy phát biểu: "Không ai nghi ngờ gì là cuối cùng nó sẽ chìm; nhưng việc tự đánh đắm đảm bảo rằng nó sẽ diễn ra nhanh hơn thay vì lâu hơn."[132] Ballard nhận thấy lườn tàu có vẽ vững chãi, thêm rằng: "Chúng tôi tìm thấy một lườn tàu hình dáng nguyên vẹn và tương đối ít bị hư hại sau khi rơi xuống và chạm đáy biển."[132] Họ kết luận rằng nguyên nhân trực tiếp khiến tàu chìm là do tự đánh đắm: phá hủy các van phòng động cơ, như được những người Đức sống sót khai báo.[132]

Các cuộc thám hiểm tiếp theo

Vào tháng 6 năm 2001, tổ chức Deep Ocean Expeditions phối hợp với Viện Hải dương học Woods Hole tiến hành một cuộc khảo sát xác tàu đắm khác; các nhà thám hiểm sử dụng tàu ngầm bỏ túi do Nga chế tạo. William N. Lange, một chuyên gia của Viện Woods Hole, cho biết: "Bạn nhìn thấy một số lượng lớn các lỗ thủng do đạn pháo bên trên cấu trúc thượng tầng và sàn tàu, nhưng không nhiều dọc theo hai bên hông, và không có vết nào bên dưới mực nước."[133] Cuộc khảo sát không tìm thấy lỗ thủng nào đối với đai giáp kể cả bên trên lẫn bên dưới mực nước. Các nhà khảo sát ghi nhận nhiều vết cắt dài trên lườn tàu, nhưng cho rằng đó là do quá trình trượt trên đáy biển.[133]

Một cuộc thám hiểm hỗn hợp Anh-Mỹ do một kênh truyền hình Anh Quốc tài trợ được thực hiện vào tháng 7 năm 2001. Nhóm thám hiểm căn cứ vào núi lửa, vốn duy nhất tại khu vực này, để tìm ra địa điểm đắm. Sử dụng thiết bị lặn dưới nước điều khiển từ xa (ROV: Remotely operated underwater vehicle) để quay phim xác tàu, nhóm thám hiểm kết luận con tàu bị đắm do hư hại trong chiến đấu. Người lãnh đạo cuộc thám hiểm David Mearns nhận xét những vết cắt đáng kể được tìm thấy trên lườn tàu: "Cảm giác của tôi là chúng có thể bị kéo dài do bị trượt, nhưng có nguồn gốc bởi những quả ngư lôi [đánh trúng]".[133] Trong quyển sách Hood and Bismarck xuất bản sau đó, Mearns khẳng định việc tự đánh đắm "có thể thúc đẩy điều không thể đảo ngược, nhưng chỉ trong vòng vài phút."[133]

Bộ phim tài liệu Expedition: Bismarck do James Cameron đạo diễn được quay vào tháng 5-tháng 6 năm 2002 đã sử dụng thiết bị lặn sâu tự hành MIR nhỏ hơn và nhanh nhẹn hơn. Ông tái hiện lại những sự kiện dẫn đến việc bị chìm. Đây là lần đầu tiên quay được những hình ảnh bên trong xác con tàu. Những khám phá của Cameron là không có đủ những hư hại bên dưới mực nước để kết luận con tàu đã bị đánh chìm hơn là tự đánh đắm. Góc nhìn gần của xác tàu đã xác nhận không có quả ngư lôi hay đạn pháo nào xâm nhập đến lớp thứ hai của lườn phía trong. Sử dụng những thiết bị ROV nhỏ để khảo sát bên trong, Cameron thấy những vụ nổ ngư lôi đã không phá hỏng được những vách ngăn chống ngư lôi.[133]